Căng thẳng và lo âu: tưởng giống mà khác

Căng thẳng và lo âu: tưởng giống mà khác

Căng thẳng và lo âu: tưởng giống mà hóa ra lại khác

Cuộc sống hiện đại ngày nay tạo ra nhiều áp lực lên mọi người và đương nhiên không thể thiếu được cả căng thẳng và lo âu. Tuy nhìn chúng có vẻ là giống nhau, nhưng các tác nhân và cách chúng hình thành có đôi chút khác biệt.

Dưới đây Bieng sẽ đưa ra cái nhìn sâu hơn về căng thẳng và lo âu, chúng khác nhau như thế nào và cách tìm sự hỗ trợ để kiểm soát.

Căng thẳng và lo âu là gì?

Không phải căng thẳng và lo âu luôn "xấu"
Không phải căng thẳng luôn “xấu” (Source: Unsplash)

Căng thẳng là trạng thái mà cơ thể kích hoạt những phản ứng khi bạn thấy thất vọng hoặc lo lắng.

Lo âu là cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc bất an. Mặc dù có thể xảy ra như một phản ứng với stress, lo âu cũng có thể xảy ra mà không có bất kỳ yếu tố kích hoạt rõ ràng nào.

Cả căng thẳng và lo âu đều có các triệu chứng gần như giống nhau, bao gồm:

  • khó ngủ
  • vấn đề về hệ tiêu hóa
  • khó tập trung
  • căng cơ
  • cáu kỉnh hoặc tức giận

Hầu hết mọi người đều trải qua cảm giác căng thẳng và lo âu tại một số thời điểm và đó không nhất thiết là một điều “xấu”. Xét cho cùng, đôi khi đó có thể là động lực hữu ích để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn hoặc làm những việc không muốn (nhưng thực sự nên làm).

Tuy nhiên, stress và lo âu không được kiểm soát có thể bắt đầu cản trở cuộc sống hàng ngày có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Căng thẳng và lo âu cảm giác như thế nào?

Stress và lo âu có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau
Stress và lo âu có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau (Source: Unsplash)

Căng thẳng và lo âu có thể tạo ra một loạt các triệu chứng về thể chất và tâm lý.

Trong đó các triệu chứng và dấu hiệu của stress chúng ta thường bắt gặp là:

  • chóng mặt
  • căng cơ
  • các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm buồn nôn và tiêu chảy
  • khó ngủ
  • tức giận hoặc cáu kỉnh
  • đau đầu
  • tăng tiết mồ hôi
  • cảm giác choáng ngợp
  • bồn chồn
  • thay đổi cảm giác thèm ăn
  • tăng nhịp tim

Với lo âu sẽ thường có những dấu hiệu trên và cả những dấu hiệu dưới đây:

  • cảm giác một sự việc tồi tệ sắp xảy ra
  • ngứa ran hoặc tê bì chân tay
  • hội chứng sương mù não

Sự khác biệt giữa căng thẳng và lo âu

Mọi người thường tưởng nhầm căng thẳng và lo âu giống nhau
Mọi người thường tưởng nhầm căng thẳng và lo âu giống nhau (Source: Unsplash)

Sự khác biệt lớn giữa căng thẳng và lo âu là sự xuất hiện của một yếu tố kích động cụ thể.

Stress thường gắn liền với một tình huống cụ thể. Một khi tình trạng đó được giải quyết, stress cũng sẽ được giải quyết.

Bạn có một kỳ thi sắp tới và lo lắng về kết quả sau những ngày ôn thi vất vả. Hoặc bạn đang cố gắng làm việc ở nhà với ba đứa con nhỏ đang tranh giành sự chú ý. Trong cả hai trường hợp trên, đều có một nguyên nhân cụ thể khiến bạn gặp stress. Khi bạn nhận điểm ưng ý hoặc con bạn trở lại nhà trẻ, căng thẳng của bạn bắt đầu biến mất.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là căng thẳng luôn tồn tại trong thời gian ngắn. Stress kinh niên nói về tình trạng căng thẳng kéo dài xảy ra khi đối mặt với áp lực liên tục. Ví dụ như một công việc với cường độ làm việc cao  hoặc xung đột gia đình.

Ngược lại, lo âu không phải lúc nào cũng có một tác nhân gây căng thẳng cụ thể.

Tác động qua lại

Mặc dù căng thẳng và lo âu là hai thứ khác nhau, nhưng chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trong một số trường hợp, căng thẳng có thể gây ra lo âu. Ví dụ: nếu bạn đang căng thẳng về một hướng đi mới sắp tới, bạn có thể thấy rằng bạn bắt đầu lo lắng về một điều gì đó không cụ thể.

Cách nhận biết liệu bạn đang gặp căng thẳng hay lo âu

Phân biệt căng thẳng và lo âu giúp tìm ra hướng giải quyết hiệu quả (Source: Unsplash)

Bạn không chắc chắn rằng liệu căng thẳng hoặc lo âu có phải là nguyên nhân của các triệu chứng không?

Hãy dừng lại và nghĩ về những gì đang diễn ra trong cuộc sống ngay bây giờ. Bạn có xu hướng lo lắng về những điều gì? Đó có phải là những mối đe dọa hoặc sự việc cụ thể không?

Nếu bạn có thể ràng buộc cảm xúc của mình với tác nhân cụ thể, chúng có thể là kết quả của căng thẳng. Nhưng nếu nguyên nhân không rõ ràng hoặc các triệu chứng của bạn vẫn tiếp diễn sau khi tác nhân ban đầu biến mất, thì đó có thể là do lo âu.

Điều gì gây ra căng thẳng và lo lắng?

Căng thẳng thường xảy ra để đối phó với áp lực thể chất hoặc tinh thần. Áp lực này có thể liên quan đến một sự thay đổi lớn trong cuộc sống, như:

  • chuyển chỗ ở
  • bắt đầu học tập ở môi trường mới hoặc công việc mới
  • bị bệnh hoặc bị thương
  • có một người bạn hoặc thành viên trong gia đình bị ốm hoặc bị thương
  • kết hôn
  • sinh con

Tác nhân gây căng thẳng cũng không nhất thiết phải là sự kiện thay đổi lớn trong cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng do:

  • có một danh sách dài việc cần làm để giải quyết vào cuối tuần
  • tham dự một cuộc họp 
  • đến sát hạn thời gian của công việc

Các rối loạn liên quan đến căng thẳng và lo âu

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một loại rối loạn thường gặp
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một loại rối loạn thường gặp (Source: Unsplash)

Căng thẳng và lo âu xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số tình trạng tiềm ẩn, bao gồm:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Đây là một chứng rối loạn lo âu phổ biến được đặc trưng bởi sự lo lắng không kiểm soát được. Đôi khi mọi người lo lắng về những điều tồi tệ xảy ra với họ hoặc những người thân yêu của họ, và những lúc khác, họ có thể không xác định được nguồn gốc của sự lo lắng nào.
  • Rối loạn hoảng sợ. Tình trạng này gây ra các cơn hoảng loạn. Đó là những khoảnh khắc sợ hãi tột độ kèm theo tim đập thình thịch, khó thở và sợ hãi về sự diệt vong sắp xảy ra.
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Đây là tình trạng gây ra hồi tưởng hoặc lo lắng do trải nghiệm đau thương.
  • Rối loạn lo âu xã hội. Tình trạng này gây ra cảm giác lo lắng dữ dội trong các tình huống liên quan đến tương tác với người khác.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Đây là một tình trạng gây ra những suy nghĩ lặp đi lặp lại và buộc phải hoàn thành một số hành động nhất định.

Cách kiểm soát căng thẳng và lo âu

Tập thể dục hoặc chơi các bộ môn thể thao giúp giảm stress hiệu quả
Tập thể dục hoặc chơi các bộ môn thể thao giúp giảm stress hiệu quả (Source: Unsplash)

Nếu thường gặp căng thẳng và lo âu, bạn nên có những phương án có thể sử dụng để giúp kiểm soát chúng dễ dàng hơn.

Chú ý đến cách cơ thể và não phản ứng với các tình huống gây căng thẳng và lo âu. Lần tới xảy ra, bạn sẽ có thể đoán trước phản ứng và có thể ít gây xáo trộn hơn.

Thay đổi trong lối sống cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và lo âu. Những liệu pháp này có thể được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị y tế cho chứng lo âu.

Các cách để giảm căng thẳng và lo âu bao gồm:

  • hạn chế uống caffein và rượu
  • ngủ đủ giấc
  • tập thể dục thường xuyên
  • thiền định
  • dành thời gian rảnh rỗi cho những sở thích và hoạt động mang lại niềm vui
  • ghi nhật ký về cảm xúc và những thứ gây ra căng thẳng
  • tập thở
  • cởi mở với những người thân yêu về cảm giác

Khi nào cần tìm đến giúp đỡ

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ tâm lý bất cứ lúc nào stress hoặc lo âu bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Lưu ý: Không cần phải có một tình trạng sức khỏe tâm thần cụ thể để được tư vấn và tiến hành trị liệu. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định các tác nhân tiềm ẩn và tạo ra các cơ chế đối phó hiệu quả để giảm thiểu tác động của chúng, ngay cả khi bạn không đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán rối loạn lo âu.

Bạn cũng nên liên hệ nếu căng thẳng hoặc lo lắng khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng hoặc nếu bạn bắt đầu có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc người khác.

Điều trị căng thẳng và lo lắng

Các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp phù hợp để điều trị căng thẳng và lo âu
Các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp phù hợp để điều trị căng thẳng và lo âu (Source: Unsplash)

Nhiều liệu pháp có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp tìm ra cách tiếp cận phù hợp cho các triệu chứng cụ thể của mỗi người.

Một số ví dụ về cách tiếp cận mà họ đề xuất là:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi. Liệu pháp giúp bạn nhận ra những suy nghĩ và hành vi lo âu và thay đổi chúng thành những suy nghĩ và hành vi tích cực hơn.
  • Liệu pháp tiếp xúc. Bao gồm việc bạn dần dần tiếp xúc với một số thứ gây ra lo lắng.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết. Tập trung hướng bạn đến cách chấp nhận và ngồi yên với những cảm xúc tiêu cực.

Tùy thuộc vào triệu chứng, họ cũng có thể đề xuất thuốc để giúp giảm các triệu chứng lo âu.

Tổng kết

Mặc dù một số căng thẳng và lo âu trong cuộc sống có thể dự đoán được và không phải là nguyên nhân gây lo lắng. Tuy nhiên điều quan trọng là phải nhận biết khi nào chúng sẽ gây ra hậu quả tiêu cực.

Bạn cảm thấy căng thẳng và lo âu không thể kiểm soát được? Hãy liên hệ các bác sĩ tâm lý để tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt chuyên môn.