
Những dấu hiệu và triệu chứng của stress bạn cần biết
Những dấu hiệu và triệu chứng của stress bạn cần biết
Stress dường như là vấn đề mà mỗi người thường gặp phải trong thời đại hiện nay. Đi kèm với stress là nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm thần và thể chất mà ta có thể thấy được. Trong bài viết dưới đây, Bieng sẽ giúp bạn chỉ ra những dấu hiệu và triệu chứng của stress mà bạn cần biết nhé!
Stress là gì?

Stress (căng thẳng) có thể được định nghĩa là những cảm giác choáng ngợp hoặc không thể đối phó được với các áp lực từ cảm xúc và tinh thần. Và đương nhiên nó dẫn đến những hậu quả ở mặt tinh thần và thể chất.
Tuy rằng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người đều phải đối mặt với stress. Thực tế cho thấy, 59% người trưởng thành được ghi nhận rằng đã từng trải qua những mức căng thẳng cao và kéo dài.
Triệu chứng của stress
Thiếu hụt năng lượng và mất ngủ

Những cơn căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi mãn tính và gián đoạn giấc ngủ. Vì vậy, việc cơ thể có thể cung cấp đủ năng lượng cho ngày tiếp theo dường như khá khó khăn.
Mặc dù rõ ràng ta thấy rằng căng thẳng có thể tác động trực tiếp đến giấc ngủ. Tuy nhiên không phải ai bị stress cũng sẽ phải đối mặt với mất ngủ và gián đoạn giấc ngủ.
Thay đổi ham muốn tình dục

Nhiều người trải qua việc thay đổi trong ham muốn tình dục khi đang trong thời kỳ căng thẳng.
Một nghiên cứu nhỏ đánh giá mức độ căng thẳng của 30 người tham gia là nữ giới và đo mức độ kích thích tình dục sau khi xem phim khiêu dâm. Kết quả cho thấy những người có mức độ căng thẳng mãn tính cao ít bị kích thích hơn so với những người có mức độ căng thẳng thấp.
Một nghiên cứu gần đây hơn được công bố năm 2021 về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, cho thấy, 450/1000 người nói rằng họ bị giảm ham muốn tình dục.
Ngoài căng thẳng, có nhiều lý do khác dẫn đến thay đổi trong ham muốn tình dục như:
- thay đổi hormone
- mệt mỏi
- các vấn đề về tâm lý
Trầm cảm

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng mãn tính có thể liên quan đến đến trầm cảm và các giai đoạn trầm cảm. Nghiên cứu khác trên 816 nữ giới bị trầm cảm nặng cho thấy sự khởi đầu của bệnh trầm cảm có liên quan đáng kể đến căng thẳng cấp tính và mãn tính.
Các đánh giá dựa trên nghiên cứu cho thấy mức độ căng thẳng cao có liên quan đến những dấu hiệu trầm cảm nặng ở thanh thiếu niên.
Thêm vào đó, một bài đánh giá vào năm 2018 đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa trầm cảm và các cơn stress mãn tính.
Bên cạnh stress, một vài nhân tố gây nên trầm cảm bao gồm:
- lịch sử gia đình
- tuổi tác
- môi trường xung quanh
- và kể cả một số loại thuốc và bệnh
Các tác động về mặt thể chất của stress
Mụn

Vài nghiên cứu chỉ ra mức độ căng thẳng cao hơn liên quan đến việc phát triển của mụn. Lý do cho việc này là mọi người có xu hướng đưa tay chạm vào mặt thường xuyên khi bị stress. Hậu quả là vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh sôi và hình thành mụn.
Một khảo sát trên 94 người tham gia ở độ tuổi thiếu niên cho thấy mức độ stress càng cao thì liên quan đến mụn càng tồi tệ hơn. Mà ở đây thường bắt gặp trên các bạn nam.
Các nghiên cứu trên cho thấy mối liên hệ, nhưng không tính đến các yếu tố khác có liên quan. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để thấy được mối quan hệ giữa mụn và stress.
Ngoài stress, thì cũng có các tác nhân khác gây mụn như:
- viêm nhiễm
- thay đổi hormone
- vi khuẩn
- da mặt tiết ra nhiều dầu
- bít lỗ chân lông
Đau đầu

Như bài viết trước, dựa trên nghiên cứu ta thấy rằng stress sẽ dẫn đến các cơn đau đầu. Cơn đau sẽ tập trung ở các vùng như đầu, trán, mặt và quanh cổ.
Nghiên cứu trên 172 lính tại ngũ cho thấy 67% trong số họ ghi nhận việc đau đầu ảnh hưởng bởi các cơn stress và là nguyên nhân gây đau đầu phổ biến thứ 2.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy căng thẳng có thể là nhân tố gây các cơn đau đầu. Một vài nguyên do khác gây đau đầu bao gồm: thiếu ngủ, ăn kiêng, tiêu thụ bia rượu, thay đổi hormone,vv
Các cơn đau mãn tính

Mụn và các cơn đau mãn tính thường được báo cáo là kết quả của việc stress cường độ cao. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng các cơn đau mãn tính có thể liên quan đến mức căng thẳng cao hơn khi mà lượng cortisol tăng cao.
Lấy ví dụ trên một nghiên cứu nhỏ đã so sánh những người bị đau lưng mãn tính với một nhóm đối chứng khác. Kết quả cho thấy những người đau lưng mãn tính có mức cortisol cao hơn.
Nghiên cứu khác cho thấy những người bị đau mãn tính cũng có nồng độ cortisol trong tóc cao hơn những người bình thường. Đây là một dấu hiệu mới của tình trạng căng thẳng kéo dài.
Ngoài là triệu chứng của stress, thì có nhiều yếu tố khác dẫn đến những cơn đau mãn tính như:
- tuổi tác
- bị thương
- sai tư thế
- tổn thương thần kinh
Ốm thường xuyên

Một trong những triệu chứng của việc bị stress quá nhiều là việc bạn dễ bị ốm hơn bình thường. Stress có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mức căng thẳng cao liên quan đến việc tăng khả năng bị nhiễm trùng.
Trong một nghiên cứu với 116 người tham gia tiêm vacxin ngăn ngừa cúm, những người bị căng thẳng kéo dài được phát hiện có phản ứng miễn dịch suy yếu với vaccine, cho thấy rằng căng thẳng có thể liên quan đến giảm khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, stress chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể khi nói đến hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của cơ thể kém đi có thể là do các yếu tố sau:
- chế độ ăn kiêng thiếu hụt dinh dưỡng
- sử dụng chất kích thích
- không hoạt động thể chất
- rối loạn hệ thống miễn dịch, điển hình là AIDS
Vấn đề với hệ thống tiêu hóa

Nhìn sơ qua, ta thấy rằng có rất nhiều tác động tiêu cực việc stress kéo dài lên cơ thể. Các triệu chứng của stress có thể được chúng ta tự phát hiện được thông qua những thay đổi của cơ thể. Và đương nhiên hệ thống tiêu hóa cũng không nằm ngoài đó.
Căng thẳng có thể đặc biệt ảnh hưởng đến những người bị rối loạn tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích hoặc viêm ruột.
Một nghiên cứu cho thấy, việc các triệu chứng suy nhược tiêu hóa gia tăng có liên quan đến mức độ căng thẳng hàng ngày cao hơn trong khảo sát với 181 phụ nữ bị ruột kích thích.
Thay đổi khẩu vị và tăng cân
Những thay đổi trong khẩu vị ăn thường ngày là một triệu chứng của việc stress kéo dài.
Khi bị stress, bạn có thể cảm thấy không muốn ăn gì hoặc ăn quá mức mà không nhận ra. Thay đổi trên có thể gây ra việc biến đổi cân nặng trong thời gian bị stress. Các nghiên cứu từ các năm 2006 và 2017 cũng đưa ra bằng chứng chứng minh quan điểm trên. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần đưa ra nhiều nghiên cứu hwnn để hiểu hết được những nhân tố có liên quan và tác động khác nhau lên cơ thể với các mức độ stress.
Tăng nhịp tim
Nghiên cứu đã chỉ ra việc căng thẳng cường độ cao có thể gây ra việc tim đập nhanh. Các nhiệm vụ gây căng thẳng cũng làm tăng nhịp tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trả qua một sự việc căng thẳng có thể khiến cơ thể tiết ra adrenaline – hormone thường gây ra việc tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng lên. Đây là lý do tại sao sống chung với căng thẳng gia tăng sẽ tạo ra việc tăng nhịp tim.
Đổ mồ hôi

Stress quá mức cũng gây nên việc đổ mồ hôi theo các nghiên cứu đưa ra. Một nghiên cứu nhỏ trên 20 người bị mắc chứng tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay – một tình trạng đặc trưng bởi mồ hôi tay quá nhiều. Nghiên cứu đánh giá tỷ lệ đổ mồ hôi trong ngày của họ bằng thang điểm từ 0-10.
Căng thẳng làm tăng đáng kể tốc độ đổ mồ hôi từ 2-5 điểm so với nhóm đối chứng.
Một đánh giá năm 2013 về “đổ mồ hôi tâm lý” ghi nhận rằng mồ hôi như vậy xảy ra để phản ứng với căng thẳng và lo lắng, cho biết loại mồ hôi này thường xuất hiện trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân và nách.
Các lựa chọn khi điều trị triệu chứng của stress

Thật tuyệt vời nếu có một liều thuốc có thể chữa mọi triệu chứng của stress. Tuy nhiên điều đó không thể xảy ra khi mà có quá nhiều tác nhân gây ra stress và không một phương pháp nào có thể điều trị tất cả.
Có một buổi trò chuyện với bác sĩ là bước đi đầu tiên trong liệu trình. Họ có thể giúp bạn tìm ra chính xác thứ gì đang gây stress cho bạn và gợi ý các cách để kiểm sát và điều trị. Họ cũng giúp để phát hiện nếu các triệu chứng trên là do stress hay một yếu tố nào khác gây ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có một số lựa chọn trong lối sống hằng ngày giúp bạn kiểm soát căng thẳng:
- tạm dừng sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại, TV
- tập thể dục và ngủ đủ giấc
- tạo ra những khoảng trống thời gian cho phép cơ thể nghỉ ngơi
- tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong bữa ăn
- tập các bài tập hít thở sâu
- thiền
- tránh sử dụng các chất kích thích/gây nghiện
- nói chuyện với bạn bè, chuyên gia uy tín
- tham gia các cộng đồng hoặc hoạt động ưa thích
Các biến chứng của căng thẳng kéo dài
Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến toàn cơ thể và nếu không được kiểm soát, chúng có thể trở nên nghiêm trọng, như:
- đau lưng
- căng cơ
- làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen suyễn
- làm xấu đi các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn
- tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim
- các vấn đề sức khỏe tâm thần
Tổng kết
Các sự việc gây ra stress dường như là một phần trong cuộc sống mỗi người. Xử lý những việc trên là chìa khóa để ngăn chặn căng thẳng kinh niên.
Căng thẳng mãn tính có thể tác động đến cả sức khỏe tâm thần và thể chất. Đi kèm với đó là một loạt các triệu chứng stress như thiếu hụt năng lượng, đau đầu, giảm thiểu ham muốn tình dục,…
May mắn thay, có nhiều cách đã được nghiên cứu và đưa ra nhằm giảm thiểu stress, ví dụ như nói chuyện với bạn bè hoặc chuyên gia, tập thể dục hay thiền định.